Doanh nghiệp "sốc nặng" vì phí BHXH mới

Thy Hằng

Doanh nghiệp "sốc nặng", giảm sức cạnh tranh, giảm lợi nhuận, thêm khó khăn, người lao động thì gia tăng mất việc, giảm thu nhập thực tế theo lương năng suất… "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Ðảng ta thật là vĩ đại!".

Bauxite Việt Nam

Trong khi doanh nghiệp (DN) còn chưa hết "sốc" bởi mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 thì tới đây, DN lại cùng lúc phải chịu tăng thêm chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) mới. Như vậy, chi phí của DN "phình to", đồng thời gia tăng người lao động (NLĐ) mất việc.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

DN thiệt kép

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Công ty TNHH Donex - chia sẻ các DN trong ngành dệt may Việt Nam (VN) chủ yếu làm gia công với giá thấp, nguồn lợi hưởng từ chi phí nhân công là chính. Tuy nhiên, các khoản chi phí ngày càng tăng cao từ lao động, nguyên liệu, xăng dầu… nay lại thêm mức đóng BHXH nữa sẽ làm DN giảm sức cạnh tranh, suy giảm lợi nhuận, đặc biệt những DN vừa và nhỏ không thể chống đỡ, có thể sẽ phải "chết". "Với mức đóng BHXH là 34% như hiện nay, với một công nhân có tổng thu nhập 8 triệu đồng/tháng thì DN phải đóng 1 triệu đồng BHXH, công nhân đóng 600 ngàn. Với 500 NLĐ hiện tại, doanh nghiệp phải đóng 500 triệu đồng/tháng. Nếu các khoản như làm thêm giờ được tính là căn cứ lương, được cộng vào để tính BHXH thì dự kiến mức đóng BHXH của DN sẽ tăng lên rất cao. Cứ đà này DN vừa và nhỏ sẽ rất khó bám trụ" - ông Thái bày tỏ.

Như vậy, doanh nghiệp sẽ cùng lúc chịu tác động kép

Thứ nhất, tiền đóng BHXH trên lương cơ bản tăng lên do tác động của tăng lương tối thiểu. Thứ hai, việc cộng thêm các khoản phụ làm căn cứ tính BHXH thay vì tính trên mức lương tối thiểu như hiện nay sẽ lại tiếp tục làm chi phí đóng BHXH của DN tăng thêm bước nữa. Trong khu vực ASEAN, VN là nước có các khoản đóng BHXH ở mức cao nhất. Tại Thái Lan, chủ DN đóng 5% và NLĐ đóng 5%, Indonesia 11% và 3%, Malaysia 13% và 11%, Philippines 7% và 3%, Lào 5% và 4,5%. Còn ở Việt Nam, chủ DN phải đóng 21,5% cộng thêm 2% phí công đoàn, NLĐ phải đóng 10,5%, tổng cộng là 34%.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết với chính sách BHXH này, một số DN nước ngoài bày tỏ có thể sẽ lựa chọn việc chuyển địa điểm đầu tư sang quốc gia khác. Điều đó cho thấy, chính sách BHXH đang tạo ra môi trường kinh doanh yếu đi.

Gia tăng lao động mất việc

Chuyên gia kinh tế lao động Nguyễn Lê Minh nhận định việc tăng chi phí đóng BHXH sẽ đẩy DN vào tình trạng khó khăn thêm, chưa kể viễn cảnh tăng nhiều loại thuế suất trong thời gian tới. Cho dù Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng chắc chắn khả năng cạnh tranh của DN vẫn giảm. Trong khi đó, với kĩ năng hạn chế, NLĐ VN chủ yếu làm các việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, khi chi phí lao động cao, DN sẽ tiến hành các biện pháp cơ giới hoá, cắt giảm lao động để giảm chi phí. Đặc biệt, theo ông Minh, khó khăn chồng chất có thể khiến DN tìm cách né bằng cách kí kết với NLĐ hợp đồng ngắn hạn để tránh đóng BHXH. "Sẽ không loại trừ khả năng DN tìm cách lách luật để giảm mức đóng. Thay vì phụ cấp thâm niên, ND và NLĐ thỏa thuận đổi sang phụ cấp chuyên cần bình xét hàng tháng, giảm phụ cấp cố định để tăng lương làm thêm giờ, tăng ca, hỗ trợ nhà ở… Thậm chí có DN còn thỏa thuận không đóng BHXH cho NLĐ" - ông Minh phân tích. Như vậy, mức độ bảo vệ việc làm của VN có xu hướng ngày càng chặt hơn, làm giảm tính linh hoạt của thị trường. Cuối cùng NLĐ lại là đối tượng chịu hậu quả từ việc DN cắt giảm lao động, gây ra các vấn đề an sinh xã hội.

Thừa nhận BHXH là yếu tố nhân văn, bảo đảm quyền lợi, an sinh cho NLĐ nhưng theo TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong - mức đóng BHXH cần căn cứ tình hình "sức khoẻ" của DN và vì thế có thể đóng BHXH linh hoạt với từng loại hình DN và NLĐ. "Mức đóng có thể theo bậc tuổi, dưới 30 tuổi đóng BHXH ở mức thấp, từ 30-40 tuổi đóng cao hơn, 40-50 tuổi cao hơn nữa và từ 50-60 tuổi mức đóng giảm đi, bởi việc đánh một tỉ lệ cố định trên thu nhập cho mọi đối tượng của BHXH là "không ổn". Những người mới đi làm rất cần tiền để đáp ứng các nhu cầu trước mắt hơn là đầu tư cho tuổi già. Đồng thời giảm bớt áp lực cho DN" - TS Tùng kiến nghị.

Bà Nguyễn Thị Khuyên (Giám đốc Công ty DVTM Hà Thành): Thu nhập thực tế của NLĐ sẽ giảm. Dù Nhà nước đã giảm tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp về 0,5% (trước là 1%) và đang xem xét giảm 0,5% (hiện 1%) vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho DN và NLĐ nhưng so với tỉ lệ đóng BHXH của các nước trong khu vực thì VN còn quá cao. Cách tính BHXH được căn cứ trên lương cùng các khoản phụ cấp khác làm chi phí của DN sẽ "đội" lên. Đồng thời, NLĐ cũng phải trích thêm một phần để nộp BHXH từ lương thực nhận, dẫn tới thu nhập thực tế theo lương năng suất của NLĐ lại giảm.

TS Phùng Đức Tùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong): DN sẽ tìm cách cắt giảm một số chi phí. Khi áp theo mức đóng mới từ năm 2018, các khoản đóng BHXH sẽ có những thay đổi cơ bản. Kể cả trừ 14 khoản mới được Bộ LĐ-TB&XH ban hành thì thu nhập của NLĐ sẽ giảm xuống. Cùng với đó, DN sẽ phải gánh thêm khoản chi phí khá lớn với cách tính mới này. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến DN phải tìm cách thức khác nhau để bù đắp vào khoản tăng của BHXH. Thậm chí, có một số DN còn cắt giảm những khoản chi phí khác của NLĐ để bù vào. Cuối cùng NLĐ vẫn phải chịu hậu quả.

(Thy Hằng, Nguyễn Việt ghi)

T.H

Nguồn: http://enternews.vn/doanh-nghiep-soc-nang-vi-phi-bhxh-moi-118059.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn