Vô vọng tinh giản biên chế

Mạnh Quân

Có tin tưởng, muốn gắn bó trực tiếp với chế độ xã hội chủ nghĩa, với nhà nước xã hội chủ nghĩa thì người ta mới "chạy" vào biên chế. Bài này, phải chăng là viết ngược, là "tuyên truyền chống chế độ"? Tinh giản biên chế đang vô vọng, vậy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có tí hi vọng gì không, ông Mạnh Quân?

Bauxite Việt Nam

(Dân trí) - Có một câu chuyện mà mọi cuộc họp nói đi, nói lại, nói mãi là chuyện tinh giản biên chế nhưng có lẽ, nói 10 chưa làm được 1. Qua một báo cáo giám sát mới nhất của Quốc hội về việc này, thì đúng là đã không làm được 1 mà tình trạng biên chế phình to ngày càng tệ hơn.

Như Dân trí đã đưa tin về kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 của đoàn giám sát Quốc hội, hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 (vượt 8,6%).

Tính riêng theo từng cơ quan, vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục. 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục. Trong đó, đặc biệt có những bộ sử dụng vượt với tỉ lệ rất cao từ 1/3 - 1/2 số biên chế được giao. Các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng vượt 141/309 biên chế (vượt 45,63%).

Có câu "trên làm sao, dưới làm vậy". Nên trên trung ương đã thế, ở các địa phương, tình trạng phá vỡ chỉ tiêu biên chế lại càng tệ hại: Có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Câu chuyện này đã được nhiều đại biểu Quốc hội dự báo từ nhiều năm trước nhưng không ngờ, qua kết quả giám sát, những số liệu thu được cho thấy hiệu quả của các hoạt động tinh giản biên chế coi như bằng 0. Bởi rõ ràng, đã chẳng giảm được mà còn phình to ra.

Không chỉ đại biểu Quốc hội mà người dân nhìn vào cũng đã thấy trước công cuộc tinh giản biên chế là chỉ để nói cho... vui. Bởi thực tế nhiều năm qua, nhà nhà, người người đều cố gắng chạy suất biên chế bởi cái tâm lí vào biên chế nhà nước là "ổn định", yên lành, thậm chí có thu nhập cao... Có những công việc người ta đều biết rằng thu nhập không hề cao như công nhân thoát nước, vệ sinh môi trường... thu nhập chỉ tầm 5-7 triệu đồng/tháng nhưng để có suất trong công ty nhà nước cũng phải mất 100-150 triệu đồng. Cho nên, mới có thực tế, mỗi khi cơ quan nhà nước nào thông báo tuyển dụng, có hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ dự tuyển. Như cách đây mấy năm, Cục Thuế Hà Nội tuyển nhân viên, có gần 2 km người xếp hàng từ đêm hôm trước, rồng rắn nộp hồ sơ dưới mưa. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI cho biết, "đỏ mắt" mới tuyển được người có trình độ, thực học để làm việc cho họ.

Có nhiều người nói vui nhưng lại quá đúng: Để tinh giản bộ máy, xử lí "ngũ ệ" được là thành công - Hậu dệ, quan hệ, đồ đệ, tiền tệ, trí tuệ. Bởi hỡi ôi, xử lí được 4 cái "ệ" trên quả thực là vô cùng khó. "Hậu duệ" - con cháu các cụ, khỏi bàn. "Quan hệ" thì không giảm được rồi: Anh tuyển con, cháu tôi, tôi tuyển con cháu anh... Chúng ta "đổi chéo" cho nhau cho thiên hạ đỡ soi. Ngay cả những người đã vào biên chế bằng "tiền tệ" thì có tinh giản cũng đâu có dễ, bởi tiền đã trót cầm của người ta rồi. Còn đám "trí tuệ" có vẻ còn tinh giản dễ nhất thì nếu tinh giản đám "trí tuệ", lấy ai làm việc?

Cho nên mấy năm rồi, công cuộc tinh giản biên chế đi vào ngõ cụt. Giảm 1 người có khi lại tăng 2 người, giảm 1 cục, vụ thì lại tăng thêm vài tổng cục để thêm ghế cho ông này, bà kia và giải quyết cơ số việc làm cho các "hậu duệ", "quan hệ"... Ví dụ Bộ Công Thương, bỏ đi Vụ Năng lượng thì lại lập Tổng cục Năng lượng, định giảm bớt nhân lực quản lí thị trường thì lại tính nâng Cục Quản lí thị trường thành tổng cục. Ở Bộ Tài chính, người ta định thay Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thì lại có đề xuất lập 3 tổng công ty mới, nói là để tạo cạnh tranh. Cho nên mới có chuyện, như đoàn giám sát của Quốc hội phát hiện, cho đến hết năm 2016, đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế của mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất tinh giản biên chế không theo quy định (định kì 2 lần/năm). Thậm chí, đến thời điểm 1-6-2017, vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm.

Nói không tinh giản được ai kể cũng oan vì thực tế cũng có giảm được chút ít. Nhưng trớ trêu, ở hầu hết các nơi, đa số chỉ giảm được ở nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc. Các cơ quan đơn vị đều thừa nhận: Chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Vậy tinh giản như thế thì tinh giản làm gì?

Cho nên, có thể nói, với cách hô hào, cách làm về tinh giản biên chế như nhiều năm qua, quả thật là... vô vọng.

M.Q

Nguồn: http://dantri.com.vn/blog/vo-vong-tinh-gian-bien-che-20170811060450459.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn