Báo chí bảo vệ hình ảnh cảnh sát giao thông?

Lan Hương, phóng viên RFA

clip_image002

Một cảnh sát giao thông đang phạt một vụ vi phạm tại một ngã tư ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP photo

Trong một cuộc gặp báo giới sáng ngày 6/6, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (C67), đại tá Lê Xuân Đức nói rằng ông mong được các nhà báo đồng hành để ngăn ngừa các hành vi chống phá, bôi nhọ cảnh sát giao thông.

Tại sao kêu gọi vào lúc này?

Nhận xét về nguyên nhân vì sao ông Lê Xuân Đức đưa ra lời kêu gọi vào thời điểm này, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:

Trong thời gian vừa rồi nhiều người ghi lại được cảnh cảnh sát giao thông có những hành vi tiêu cực. Nhưng trên mạng có một số clip không phản ảnh đúng sự thật nhưng có lẽ là do định kiến ghét cảnh sát giao thông nên họ làm méo mó đi chút để bôi bác ngành đó. Những clip đó có nhưng rất hiếm.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận thấy rằng nhiều năm trở lại đây cảnh sát giao thông Việt Nam thường xuyên có các hành động tiêu cực, bắt bớ người dân phi lý, tạo nên những hình ảnh xấu trong mắt người dân:

Lâu nay cảnh sát giao thông, tôi không dám nói là 100%, nhưng khá phổ biến các hiện tượng tiêu cực như ăn tiền đút lót, hạch sách lái xe, bắt lỗi những chuyện không đáng có để vòi tiền rất phổ biến khắp từ Nam ra Bắc.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan cảnh sát giao thông đưa ra những yêu cầu với giới báo chí liên quan đến việc giữ hình ảnh cho họ.

Năm 2013, dư luận cũng từng một phen dậy sóng khi Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) ra công văn số 1042/C67 - P3 với nội dung chính là báo chí nếu muốn quay phim chụp ảnh các hành động của cảnh sát giao thông phải được sự đồng ý của họ. Dư luận lúc đó nói rằng văn bản này vi phạm quyền được giám sát các hoạt động của cơ quan chức năng của người dân. Một số nói rằng văn bản “nặng mùi” bao che cho các hành động sai trái của cảnh sát giao thông. Cơ quan này sau đó lập tức thu hồi lại công văn đưa ra.

Trong khi đó nhà báo Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe cho rằng do việc kêu gọi các hãng như Facebook, Google ngăn chặn các thông tin độc hại của Chính phủ không hiệu quả, nên bây giờ cơ quan chức năng xoay chuyển qua “cầu cứu” báo chí và những người sử dụng mạng:

Hiện tượng cảnh sát làm bậy làm bạ trên đường chủ yếu là để móc túi những người tham gia giao thông xảy ra quá phổ biến. Trong mấy năm qua truyền thông xã hội đã quay lại những hành động đó để lên án. Cho nên bây giờ bên cảnh sát giao thông không thể có cách gì biện minh về những hành động đó.

Trong khi đó Đảng và Nhà nước tìm đủ mọi cách để liên lạc với các ông chủ như Facebook để ngăn chặn truyền thông xấu nhưng không hiệu quả nên bây giờ phải kêu gọi báo chí giúp họ. Đấy là hành động tôi cho là họ đã nhìn ra vấn đề và họ cho rằng những hành động ăn cướp, móc túi của người dân không có cách “dìm” đi được.

Đầu năm nay, Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ hơn 2000 video mà Việt Nam cho là “độc hại”. Đồng thời gây áp lực cho các công ty quảng cáo lớn yêu cầu Facebook xử lý các thông tin “xấu”. Sau đó, đại diện Bộ Thông tin Truyền thông đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc vấn đề loại bỏ thông tin xấu, bôi nhọ Đảng, lãnh đạo.

Có khả thi?

Đáp lại câu hỏi về tính khả thi của những kêu gọi này, nhà báo Phạm Thành cho rằng không phải chỉ cần yêu cầu báo chí “dừng bôi nhọ” là giải quyết được vấn đề, theo ông gốc gác nằm ở đạo đức của người cảnh sát giao thông mà ông cho rằng khó có thể thay đổi:

Cái chính là những cảnh sát giao thông không bao giờ tử tế được. Nhiệm vụ của họ vẫn phải phạt. Cơ chế không thành văn đó là những người được quyền phạt vi phạm giao thông một ngày phải phạt bao nhiêu, bao nhiêu vào túi của mình, bao nhiêu vào túi cấp trên, bao nhiêu vào quỹ này quỹ kia. Cho nên lời kêu gọi không thành hiện thực được.

Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc kêu gọi giới báo chí là không đủ mạnh bởi vì theo ông hầu hết các thông tin, clip, hình ảnh về cảnh sát giao thông được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội:

Tôi cho rằng lời kêu gọi đó không có tác dụng mấy đâu bởi vì thực tế những clip hay những bình luận không hay ho về ngành cảnh sát giao thông do báo chí đăng là không nhiều lắm, mà chủ yếu là những clip do người dân quay được mới phản ánh đúng sự thật. Nhờ cái đó báo chí nhà nước mới bắt được các thông tin này rồi cho phóng viên xác minh đưa lên mặt báo để phê phán.

Mới cuối tháng 3 vừa rồi, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Cần Thơ đã tuyên án tử hình với 3 thanh tra giao thông của địa phương này vì tội danh nhận hối lộ lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng.

Cũng trong buổi họp báo hôm 6/6, thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc đấu tranh giữ an ninh trật tự và ổn định chính trị trong nước và nói rằng ‘nếu lực lượng công an muốn trưởng thành thì phải công khai minh bạch và không có bất cứ vùng cấm nào đối với báo chí.

L.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/journalists-protecting-traffic-police-lh-06082017081835.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn