Trở lại Kỳ Anh

RFA

 

PHẦN 1

clip_image001

Ngư dân vẫn chưa thể đánh bắt hải sản gần bờ. Photo courtesy of phununews.vn

Thực tế cuộc sống ngư dân Kỳ Anh hiện nay

Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh là nơi Nhà máy Gang thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh từng xả hóa chất độc hại trực tiếp ra biển gây nên thảm họa môi trường dọc theo các tỉnh miền Trung kể từ tháng tư vừa qua.

Ngay sau khi xảy ra thảm họa, phái viên RFA đã đến tận nơi ghi nhận tình hình hải sản chết hằng loạt và đời sống người dân bị tác động. Thực tiễn hiện nay cũng được tìm hiểu qua chuyến trở lại mới đây.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi

Vào trung tuần tháng 11/2016, chúng tôi quay trở lại xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - địa phương nằm ngay cạnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trái với quang cảnh của 3 tháng trước lúc thuyền phủ bạt xếp hàng dài trên bãi, thì nay người dân đã sửa sang, đóng mới những chiếc ghe để chuẩn bị ra khơi. Ngoài biển đã có những chiếc hoạt động trở lại; dù là ít, không nhộn nhịp bằng thời gian trước khi xảy ra thảm hoạ môi trường.

Ngư dân địa phương cho chúng tôi hay, họ mới đi biển trở lại được khoảng hơn 1 tháng, tức là từ đầu tháng 10, sau hơn 6 tháng không có việc làm. Ông Hoàng Văn Tỉnh - 51 tuổi, với 24 năm kinh nghiệm đi biển, cho biết về tình trạng các loài cá trong khu vực biển anh đánh bắt như sau: “Cá còn chết nhiều lắm”.

Anh Điểu - một người thợ lặn cho biết ghi nhận của anh: “Rạn san hô nhiều bây giờ chết hết chẳng còn gì cả.  kể cả ông bộ trưởng có nói rằng biển sạch, san hô được ổn định lại, để ông về đây mà xem” .

Những người ngư dân đi biển về cho biết, thu hoạch được số lượng hải sản rất ít so với trước đây, cùng với giá giảm mạnh.

clip_image004

Hôm 16/11/2016 Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện chi trả cho người dân tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạnh. Courtesy Thanh Niên

Ông Hoàng Nguyên - sinh năm 1960, đi biển từ năm 12 tuổi chia sẻ: “Lượng thu hoạch của tôi đi về cũng được gần 1 chục ký ghẹ và khoảng gần 20 ký cá, lượng tôm cá đánh bắt cũng rất nhiều, tuy nhiên lượng thu hoạch và phần bán thì rất ít”.

Ông Tỉnh cho biết thêm về việc thu hoạch sau mỗi chuyến đi biển: “Cá thì nhiều tiền thì không được ăn thua.  Cá nhỏ thì đi 1 tạ 2 tạ thôi, đi 1 chuyến được 15 cân.  Mọi hồi chuyến được vài 3 triệu bây giờ may được khoảng 1 triệu bạc là nhiều”.

Vì không còn đường nào khác

Dù thu hoạch ít, bán không được giá, có khi không ai mua cho, nhưng ngư dân vẫn quay trở lại với nghề truyền thống. Lý do là vì họ không có nghề nào khác.

Dù chính phủ có Quyết định số 1880 của Thủ tướng bồi thường cho những đối tượng chịu tác động bởi thảm họa môi trường do Formosa gây nên; thế nhưng đến nay chưa thấy khoản bồi thường đâu cả, mà chỉ mới dừng ở kê khai danh sách các đối tượng được nhận.

Với phần lớn người dân ở đây, dù đền bù, hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ, bởi cái họ cần là môi trường sạch trở lại. “Điều mong đợi nhất là làm thế nào cho biển sạch để chúng tôi có quyền tự do đi lại làm như trước để con em buổi chiều ra tắm biển rồi chúng tôi đi biển về cũng khỏi khi ăn con cá con ghẹ con tôm nó khỏi nghi ngờ trong vấn đề độc hại cả.”

Hải sản đánh bắt lên được tiêu thụ ra sao và lý do gì khiến thị trường “lạnh nhạt” với hải sản đánh bắt từ Kỳ Anh sẽ là nội dung phần kế tiếp của loạt phóng sự “Biển và sinh mệnh người dân”.

Video Trở lại Kỳ Anh Phần 1 – Gượng dậy sau thảm hoạ: https://www.youtube.com/watch?v=rRMxrVSnig0

Nguồn Phần 1: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/vung-ang-6months-later-formosa-01192017123706.html

PHẦN 2

Kể từ khi những chiếc ghe đầu tiên quay trở lại hoạt động ngoài khơi vào tháng 10/2016, việc mua bán hải sản tại khu vực Kỳ Anh cũng được nối lại.

Thu nhập bằng 1 phần 10 trước đây

Bà Mai Thị Hương - sinh năm 1964, buôn bán hải sản đã 15 năm cho biết lượng mua bán hải sản của bà từ khi mua bán trở lại:

“Mấy ngày mới có hàng nhiều, cá nhiều chứ trước đây ghẹ ít, mấy ngày trước đây thì nhiều có ngày 2 tạ, bình thường 1 tạ hoặc 1 tạ rưỡi.  Trước mua ghẹ cân 180 đến 200 mà bán 250, một tạ ghẹ lời được 5 triệu mà hiện tại 1 tạ ghẹ chỉ được 500 ngàn”.

Theo bà Mai Thị Hương, số hải sản được bà thu mua sẽ bán đi các tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Bình. Xe máy được dùng để chuyển hải sản đến những nơi có xe đông lạnh. Sau đó, những chiếc xe đông lạnh đưa hàng đi đâu thì không biết được.

Một điều đáng nói là các loại hải sản trong vùng biển Kỳ Anh được đánh bắt trong phạm vi từ 12 hải lý trở vào bờ - vùng biển đã từng được khuyến cáo không nên đánh bắt do nghi vấn nước còn bị nhiễm độc.

Trước mua ghẹ cân 180 đến 200 mà bán 250, một tạ ghẹ lời được 5 triệu mà hiện tại 1 tạ ghẹ chỉ được 500 ngàn.
- Bà Mai Thị Hương

Hầu hết những người đánh bắt và thu mua hải sản mà chúng tôi hỏi chuyện đều cho biết, hải sản không được cơ quan nào kiểm nghiệm.

Bà Mai Thị Hương: “Về thì mua thôi, cũng Không biết họ kiểm nghiệm hay không”.

Ông Hoàng Văn Tĩnh: “không ai kiểm nghiệm gì cả”.

Ông Hoàng Nguyên: “Không có ai kiểm nghiệm gì cả”.

Chính vì hải sản đánh bắt tại khu vực này không được kiểm nghiệm, trong khi có nhiều trường hợp ăn xong bị ngộ độc, nên người dân địa phương ở Kỳ Anh không mua sử dụng.

Một người buôn bán hải sản tại chợ Kỳ Lợi cho chúng tôi biết: “không ăn cá biển vì ăn vào là bị đau, tức ngực, buồn nôn”.

Bà Mai Thị Uy: “Cá là họ không mua”.

Ông Hoàng Nguyên: “Dân địa phương đây họ không ăn, họ đã thử cho chó và gà vịt cho lợn ăn đều chết cả, đặc biệt nhất là chó, ăn xong là 2 chân một vài ngày lết lết, hai chân trước bò một vài bữa là chết”.

Hải sản không được kiểm nghiệm

Trong khi đó, theo người dân địa phương, chính quyền các cấp không đưa ra bất cứ khuyến cáo hay giải pháp nào về việc tránh đánh bắt, mua bán và sử dụng hải sản tại khu vực Kỳ Anh.

Một số thành viên nhóm Green Trees đã vào Kỳ Anh để thu thập mẫu cá mú, cá nâu, cá ghẹ với sự hỗ trợ của ngư dân địa phương để mang đến Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia ở Hà Nội để kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, khi dược sỹ Nguyễn Anh Tuấn - thành viên Green Trees mang mẫu tới, một người phụ nữ tên Giang - phụ trách bộ phận tiếp nhận của cơ quan kiểm nghiệm này cho biết “máy đang bảo dưỡng” và năng lực của phòng xét nghiệm có hạn nên phải trả kết quả chậm trong vòng 1 tháng. Một người đàn ông tên Hải, được cho biết là phó giám đốc Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đứng ra nhận trách nhiệm về việc này.

Ở Hà Nội, năng lực cơ quan chuyên môn còn vậy, thì huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thế nào? Trong khi hải sản vẫn được đánh bắt, mua bán tự do, vận chuyển đi đâu không rõ, thì người dân còn phải đối diện với nguy cơ tổn hại về sức khoẻ.

Trong phóng sự tiếp theo, chúng tôi sẽ nói về sinh mệnh của người dân khi ăn hải sản đánh bắt tại Hà Tĩnh.

Video Trở lại Kỳ Anh phần 2 – BĂN KHOĂN CHẤT LƯỢNG HẢI SẢN: https://www.youtube.com/watch?v=N34nfKVpQEU

Nguồn Phần 2: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/vung-ang-after-formosa-part2-02062017141111.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn