Cần quy hoạch sân bay quân sự đang quá nhiều bất hợp lý

Nguyễn Đình Ấm

Từ 1975 đến nay đất nước ta cũng như thế giới, khu vực đã có rất nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế, quân sự… nhưng xem ra cách quy hoạch, bố trí cơ sở kinh tế, quân sự hàng không trong nước vẫn không có gì thay đổi, đặc biệt là sân bay ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Ở khu vực TPHCM ngoài sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) có các sân bay như sân bay quân sự Biên Hòa cách hơn 30 km về phía đông bắc, xa hơn là sân bay dân dụng Cần Thơ ở phía Tây, sân bay Vũng Tàu trước đây là sân bay hỗn hợp nay chuyên dùng bay dầu khí ở phía Đông. Đặc biệt, sân bay TSN nằm sát TP.HCM là sân bay hỗn hợp có hoạt động cả máy bay quân sự và dân dụng. Đây là một sự thất sách lớn trong tình hình nước ta hiện nay.

Hiện tại, nước ta đang bị nước ngoài xâm chiếm một số lãnh thổ, biển, đảo và tương lai không dừng lại ở đây. Dù nhà cầm quyền VN có quyết tâm bảo vệ chủ quyền phần lãnh thổ hay không thì dân ta cũng không bao giờ chịu phần giang sơn thiêng liêng ngàn đời ông cha để lại bị ngoại bang chiếm đóng nên không có gì đảm bảo hòa bình vĩnh viễn. Vì vậy, việc để hoạt động quân sự lẫn với hoạt động dân sự sẽ biến các máy bay chở khách, cơ sở dân sự cũng thành mục tiêu khi chiến tranh xảy ra. Nếu chuyển hoạt động hàng không quân sự về Biên Hòa hoặc đi nơi khác và tổ chức phòng thủ chắc chắn thì sẽ tránh được tổn thất cho cả cơ sở quân sự (ở Biên Hoà) và hàng không dân dụng (TSN). Ngày nay, nếu không may chiến tranh xảy ra sẽ là: chiến tranh mạng, thông tin, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa, gần… chính xác, không quân rồi mới đến pháo, xe tăng, bộ binh... Dù kẻ thù có hung hăng, tàn bạo thì việc đánh vào cư dân, cơ sở thuần túy dân sự thời “thế giới phẳng” là khó xảy ra do sẽ bị cả thế giới lên án, cô lập.

Điều đặc biệt phi lý là, sau năm 1975 nhà cầm quyền VN, Bộ Quốc phòng không mường tượng được tương lai phát triển của hàng không quân sự (HKQS) và hàng không dân dụng (HKDD) diễn ra như thế nào nên sự phân bổ nguồn lực đất đai rất bất hợp lý. Khi HKDD luôn phát triển còn phía phía HKQS ngược lại nhưng sự phân định diện tích quản lý ngược với thực tế đòi hỏi. Năm 2010 tổng diện tích 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, TSN) là 2.952,5 ha, trong đó HKDD phát triển rất nhanh thì chỉ được sử dụng 485,2 ha, đất dùng chung là 700 ha còn HKQS ngày càng thu nhỏ hoạt động thì sử được sử dụng những 1.767,3 ha. Ở sân bay TSN càng bất hợp lý. Do vô ý thức về tương lai của ngành HK nên một mặt Bộ Quốc phòng để quân đội, dân lấn chiếm quỹ đất dự trữ của sân bay (được chính quyền VNCH quy hoạch rất bài bản) chia chác làm nhà ở, phần còn lại (1.150 ha) chia làm hai phần rất bất hợp lý: Trong khi thị trường HKDD ở đây phát triển hai con số thì chỉ cho sử dụng 205 ha, phía quân sự số máy bay ngày càng mai một nay chỉ lèo tèo vài chuyến bay/tuần thì quản lý 545 ha còn 400 ha dùng chung (khu đường băng).

Những năm 1975-1990 (thời HKDD vẫn thuộc Bộ Quốc phòng) phía HKDD TSN chỉ có 100.000-250.000 khách thông qua/năm nay hơn 30 triệu khách/năm, mỗi ngày có tới 350-420 chuyến bay hạ, cất cánh nhưng nhà nước vẫn không điều chỉnh gì cho nhu cầu phát triển HKDD. Cuối năm 2007, trước sự quá tải sân đỗ nhiều chuyến bay phải bay vòng chờ đợi… ngành HKDD đã yêu cầu chính phủ quy hoạch sang phía đất nhàn rỗi bên quân sự 30 ha để làm 30 chỗ đỗ, lúc đầu đã được Thủ tướng đồng ý nhưng phía quân sự “không thỏa thuận”, rồi sau đó Thủ tướng âm thầm cho phép để họ lặng lẽ làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, khu chung cư… kinh doanh mặc cho TSN cùng quẫn về diện tích mặt bằng.

Thời gian qua nhiều tờ báo đăng tin phía quân sự đã “đồng ý dành cho TSN 21 ha” để làm sân đỗ là phản ánh một đất nước vô chủ, nhà cầm quyền vô trách nhiệm hoặc quá yếu đuối trước các đại gia quân sự. Tại sao lại hân hoan với việc phía quân sự - một thành viên trong chính phủ, là con dân của 90 triệu dân VN - lại có cái quyền “đồng ý hay không đồng ý” dùng 21 ha đất nhàn rỗi của nhà nước để phát triển hạ tầng cửa ngõ hàng không lớn nhất VN?

Điều bất hợp lý nữa là mặc dù hoạt động rất ít nhưng phía quân sự lại là chủ trì trong việc quản lý an toàn tĩnh không ở sân bay mà hoạt động dân dụng là chủ yếu. Những tiêu chuẩn về an toàn, tĩnh không của phía quân sự khác so với tiêu chuẩn của hàng không dân sự VN và quốc tế nên hay xảy ra hiện tượng “ông chẳng, bà chuộc” trong việc ấn định các tiêu chuẩn an toàn ở khu vực sân bay. Phía quân sự cũng nắm quyền cho phép máy bay dân dụng hoạt động bất thường, tăng chuyến… nhiều khi cũng gây phiền hà, tốn kém cho hoạt động hàng không.

Với sân bay Gia Lâm ở Hà Nội thì càng bất hợp lý. Đây là sân bay quốc tế thứ hai sau TSN gắn bó với rất nhiều sự kiện lịch sử từ đầu thế kỷ 20, là sân bay hỗn hợp đã có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, phía HKQS quản lý từ phía bắc đường băng về phía nam rộng nhiều trăm ha, phía HKDD quản lý vài ha từ phía tây đường băng đến khu dân cư, còn đường băng dùng chung. Năm 2010, 2011 ngành HKDD đặt vấn đề với phía quân sự, khảo sát định đầu tư hơn 100 tỷ đồng để làm nhà ga tạm, cơ sở dịch vụ hành khách chuyển các chuyến bay ngắn bằng máy bay ATR 72 về Gia Lâm để giảm tải cho Nội Bài và tiết kiệm thời gian, chi phí cho hành khách, nhưng cuối cùng cũng không thành. Trong khi đó phía quân sự chuyển các nhà công vụ về sát đường băng phía nam, lấy đất dự trữ (trước kia cho bộ đội, cư dân trồng lúa, rau màu) làm nhà xưởng sản xuất khinh doanh, lấy 117 ha làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, (nhiều công trình xây vi phạm pháp luật), khu chung cư… Đầu bắt đầu đường băng sân bay cũng đã cho doanh nghiệp máy xây dựng và thương mại Việt Nhật thuê… Vì vậy, sân bay Gia Lâm nay chủ yếu là khu kinh doanh của đại gia quân đội vì sân bay chỉ còn khu đường băng, lề bảo hiểm tối thiểu, ít trụ sở xưởng công vụ, sân đỗ, còn lại toàn nhà, xưởng máy dân dụng, sân golf, nhà hàng, khách sạn… chiếm phần lớn diện tích sân bay. Do rất ít chuyến bay quân sự hoạt động nên nhiều chỗ đường băng mốc meo, sụt lún, lề bảo hiểm nhiều khi dùng chăn thả dê… hết sức lãng phí.

Sân bay Gia Lâm nằm sát khu dân cư máy bay quân sự không có tiêu chuẩn tiếng ồn, khí thải ảnh hưởng sức khỏe dân cư xung quanh và cũng giống TSN, nếu chiến tranh xảy ra, cả khu cư dân thành phố đông đúc với nhiều nhà cao tầng thuộc quận Long Biên cũng là mục tiêu của kẻ thù.

Riêng sân bay Bạch Mai - sân bay cỡ đầu tiên của VN nằm phía tây nam Hà Nội thì cũng gần như bị xóa sổ, nhiều diện tích được phân cho cán bộ làm nhà ở, một số công trình của phòng không, không quân còn lại là cơ sở kinh doanh, cho thuê…

Một đặc biệt nữa là, hiện nay không thấy một quân đội nước nào lại đi làm kinh tế (Trung Quốc đã cấm lực lượng vũ trang làm kinh tế) cạnh tranh bất bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhiều sĩ quan rất dễ sẽ lo làm giàu, tham nhũng xao nhãng sẵn sàng chiến đấu giống như quân đội Ai Cập trước đây... Càng đặc biệt nữa là quân đội làm, tổ chức nơi vui chơi giải trí (sân golf, nhà hàng, khách sạn,… ở TSN và Gia Lâm) cho đủ các thứ khách vào chơi, ăn, nghỉ tiếp cận với hoạt động quân sự trong sân bay, đêm đêm đèn cao áp sáng rực trời… Vậy thì “căn cứ quân sự” nỗi gì?

Thiết nghĩ, nhà cầm quyền VN cần quy hoạch hệ thống sân bay quân sự để phát triển ngành hàng không dân dụng, bảo đảm an toàn, khả năng chiến đấu của HK quân sự.

N.Đ.A.

Tác giả gửi BVN

Bài đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn