Liên minh quân sự Việt-Nhật, tại sao không?

Hoàng Mai

Bằng việc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, China đã thực sự xâm lược Việt Nam. Quan hệ Việt Nam-China thực sự đã chuyển sang một giai đoạn mới.

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Myanmar, ngày 11/5, đã có bài phát biểu cứng cỏi tố cáo trực tiếp đối với China được xem là một cơ hội vàng để từng bước vứt bỏ quan hệ “4 tốt và 16 chữ vàng”.

Trong khi chưa xây dựng một liên minh Việt-Mỹ, hay liên minh Việt-Nhật-Mỹ, thì trong điều kiện hiện nay, sự cần thiết phải thiết lập liên minh quân sự Việt-Nhật.

Ngày 17.5.2014, trong một bài viết tựa đề: “Nhật Bản sửa Hiến pháp, Trung Quốc lo ngại”(*), đăng trên báo điện tử “Một thế giới”, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe nói: “Chúng tôi sẽ tạo ra các cơ cấu pháp lý trong nước để có những phản ứng liền mạch. Trong thế giới ngày nay, một quốc gia không thể tự bảo vệ nền hòa bình của mình được”.

Chúng ta đều biết, Nhật Bản là một cường quốc về kinh tế, chỉ xếp thứ 2 sau Mỹ trong hơn 30 năm, từ cuối những năm 1970 đến năm 2010, mới nhường lại vị trí này cho China, trong khi China có dân số hơn Nhật Bản khoảng 11 lần. Mặc dù vậy, người Nhật vẫn cho rằng “Trong thế giới ngày nay, một quốc gia không thể tự bảo vệ nền hòa bình của mình được”, quả thật, tầm nhìn của người Nhật luôn luôn đi trước thời đại và đưa Nhật trở thành cường quốc được thế giới nể trọng.

Cũng bài báo này cho biết:

“Một số quan chức cao cấp Nhật Bản đã đề cập đến khả năng nước này có thể sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể với các nước khác ngoài Mỹ, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia”.

Vậy thì tại sao, không hình thành một liên minh quân sự Việt-Nhật?

1. Cơ sở để hình thành Liên minh quân sự Việt-Nhật (cần công khai, không còn bị quan hệ Việt Nam-China chi phối).

- Cả Việt Nam và Nhật Bản đang có nguy cơ bị China xâm lược, sự cần thiết lập liên minh nhằm hỗ trợ để bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải của mỗi nước.

- Đảm bảo an toàn hàng hải qua Biển Đông, vì cả hai nước cần tuyến vận chuyển hàng hải này đến các nước Tây Á, châu Phi và Châu Âu.

- Trao đổi, hợp tác nâng cao kinh nghiệm, năng lực trong huấn luyện, cũng như trao đổi công nghệ và công nghiệp quốc phòng giữa hai nước, vân vân…

2. Lợi ích của Liên minh quân sự Việt-Nhật nhìn từ phía Việt Nam.

- Nhật Bản cung cấp, tài trợ, bán cho Việt Nam những thiết bị quân sự được sản xuất tại Nhật Bản.

- Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam về tài chính trong trường hợp chiến tranh xẩy ra và kéo dài.

3. Đâu là rào cản hiện nay đối với Liên minh quân sự Việt-Nhật?

Nếu như cứ nhìn cái cách mà người Tàu mua chuộc khắp thế giới, ta không khó để hình dung, những cán bộ cao cấp Việt Nam từ lâu (thời điểm từ HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ, tháng 9/1990) đã bị Bắc Kinh mua chuộc, khống chế bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Việc cắt đất biên giới cho Bắc Kinh đều có lý do và đưa vào thế “há miệng mắc quai”... Vì vậy, không thể một sớm, một chiều mà lãnh đạo Việt Nam hiện nay thoát ra khỏi sự ràng buộc đối với Bắc Kinh. Ngay cả một vài nhân vật liên quan đến HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ vẫn còn.

Quan hệ Việt Nam-China có nhiều góc khuất, tế nhị, lãnh đạo Việt Nam hiện nay rất sợ bị Bắc Kinh công bố…

Mặc dù vậy, chúng ta hy vọng, một liên minh toàn diện Việt-Mỹ cũng như liên minh Việt-Nhật-Mỹ sẽ được hình thành trong tương lai.

(*) http://motthegioi.vn/tieu-diem/nhat-ban-sua-hien-phap-trung-quoc-lo-ngai-71913.html

17.5.2014

H.M

Tác giả gửi BVN

Nhật Bản sửa Hiến pháp, Trung Quốc lo ngại

Đăng Bởi Một Thế Giới - 07:50 17-05-2014

Khi  giải thích về kế hoạch sửa Hiến pháp, nhằm cho phép Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể, Thủ tướng Shinzo Abe không hề đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Nhưng theo báo Asahi Shimbun, Bắc Kinh rõ ràng là mối đe dọa tiềm tàng trong sự bận tâm của ông Abe.

“Chúng tôi sẽ tạo ra các cơ cấu pháp lý trong nước để có những phản ứng liền mạch. Trong thế giới ngày nay, một quốc gia không thể tự bảo vệ nền hòa bình của mình được”, ông Abe nói tại cuộc họp báo ngày 15.5, giải thích lý do tại sao sự thay đổi trong cách diễn giải Hiến pháp là cần thiết.

Nhật Bản nhắm đến đối tượng là Trung Quốc

Bóng dáng của Trung Quốc cũng xuất hiện đậm nét, khi ông Abe giải thích sự cần thiết trong việc đối phó với các tình huống xảy ra ở “vùng xám”. Hiện nay Nhật Bản chưa có một khung pháp lý để triển khai lực lượng tự vệ ở khu vực đó.

“Có thể có khả năng một nhóm vũ trang cải trang thành ngư dân đổ bộ lên một trong những hòn đảo xa xôi hẻo lánh của Nhật Bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phản ứng nhằm chống lại một tình huống ở “vùng xám” tương tự như thế”, ông Abe đưa ra một ví dụ minh họa với hàm ý rõ ràng đang nhắc đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Mặc dù ông Abe không hề nêu lên cái tên Trung Quốc trong các phát ngôn của mình, Ban cố vấn về Tái cấu trúc Cơ sở pháp lý cho an ninh Nhật Bản  nhắc đến ngân sách quân sự của Trung Quốc: “Nó (ngân sách) đã được tăng lên gấp 4 lần trong một thập kỷ qua, và con số công bố công khai trong năm tài chính này là 118 tỉ USD, gấp 3 lần chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản”.

Bản báo cáo cũng kêu gọi xem xét lại các biện pháp để đối phó với trường hợp các tàu ngầm nước ngoài xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản và từ chối các yêu cầu rời khỏi. Điều này là một tham chiếu rõ ràng tới tần suất hoạt động ngày càng tăng của tàu ngầm Trung Quốc.

Không những muốn thay đổi cách diễn giải Hiến pháp để có thể đưa quân ra tham chiến ở nước ngoài, Tokyo còn đang có kế hoạch thay đổi Luật về Cục phòng vệ (SDF) để cho phép SDF được sử dụng nhiều loại vũ khí hơn trong việc đối phó với các tình huống như vậy.

Trong cách giải thích Hiến pháp hiện hành, Nhật Bản bị cấm thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Một số quan chức cao cấp Nhật Bản đã đề cập đến khả năng nước này có thể sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể với các nước khác ngoài Mỹ, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

clip_image001

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP

Ông Abe khẳng định lập trường của mình là việc thay đổi cách diễn giải Hiến pháp không có nghĩa là Nhật Bản sẽ ngay lập tức đưa quân ra chiến trường. Tuy nhiên, với tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Nhật Bản có thể sẽ phải giúp đỡ Việt Nam nếu Tokyo quyết định mở rộng quyền tự vệ tập thể.

TrungQuốc lo ngại

Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe, Trung Quốc và Hàn Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại.

“Các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế có đủ lý do để cảnh giác về ý định thực sự của Nhật Bản”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo ngày 15.5.

Cùng ngày, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với tờ Asahi Shimbun, rằng quyết định của ông Abe thay đổi cách giải thích truyền thống về Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, sẽ có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh hiện nay ở khu vực Đông Á.

Tuy nói như vậy, nhưng Bắc Kinh cũng biết rằng việc Nhật Bản thay đổi chính sách an ninh là việc “chẳng chóng thì chầy”.

Khi chính quyền của ông Abe cập nhật Hướng dẫn chương trình quốc phòng hồi năm ngoái, trong đó có đề cập đến các biện pháp đối phó với khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, một chuyên gia tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã dự đoán rằng “mục tiêu tiếp theo của Thủ tướng Abe là có được quyền tự vệ tập thể”.

Hoài Anh

(Theo Asahi Shimbun)

Nguồn: motthegioi.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn